Là loại hình nghệ thuật đặc sắc của Cố đô, ca Huế từng được giới hoàng tộc, quý tộc xưa xem là thú vui tao nhã. Nhờ được kế thừa, phát triền; ca Huế tồn tại đến ngày nay và được biểu diễn trên các thuyền rồng trên sông Hương vào mỗi đêm.
Đã đến Huế thì bạn nhất định nên thử một lần nghe ca Huế trên dòng Hương giang để trải nghiệm cảm giác bỏ lại tất cả bộn bề ở lại, thả hồn mình trôi theo điệu ca du dương giữa biển nước.
“Dập dềnh sóng vỗ mạn thuyền
Ngồi nghe ca Huế mà lòng bâng khuâng!
Tương tư với nguyệt cùng mây
Hỏi non nước ấy đắm say bao tình…”
Cội nguồn lịch sử của ca Huế
Mục lục
Ca Huế ban đầu được tạo ra nhằm mục đích phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của tầng lớp quý tộc, vua chúa; về sau được dân gian hóa để phổ biến đến các tầng lớp khác.
Từ khoảng cuối thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII được cho là giai đoạn hình thành của loại hình âm nhạc bác học này. Các ca điệu Huế bắt đầu lần lượt xuất hiện trong giai đoạn này và có nhiều điệu nổi bật được lưu truyền rộng rãi trong phủ Chúa thời đó như: Cổ bản, Phú lục, Nam ai, Nam bình. Hai hình thức chính của ca Huế là điệu Bắc và điệu Nam cũng được xem là xuất phát từ thời kỳ này.
Giai đoạn này đã có sự xuất hiện của các loại nhạc khí cơ bản như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tỳ bà, đàn tam, sáo, sênh. Đến giữa thế kỷ XVIII, vốn là một người am hiểu về âm nhạc truyền thống – em trai của chúa Nguyễn Phúc Khoát – Luân Quốc Công Nguyễn Phúc Tứ đã tạo ra đàn nam cầm. Đàn này được ông tạo thành sau quá trình nghiên cứu ba loại đàn khác là đàn cầm, đàn sắt và đàn tỳ bà với thùng dày, vuông, 8 dây, cầm dài 120cm. Nhờ có những đặc tính riêng nên đàn nam cầm cho ra những âm điệu, nhấn nhịp rất đúng với điệu nam; về sau đàn này chính là một trong những loại nhạc khí không thể thiếu của ca Huế.
Giai đoạn phát triển nhất của loại hình âm nhạc bác học này chính là khoảng đầu thế kỷ XIX đến trước năm 1885; đây là thời điểm mà ca Huế không chỉ được biểu diễn ở chốn cung đình mà được phổ biến rộng khắp cả ngoài dân gian. Cũng nhờ vào sự phổ biến này nên đây là thời điểm xuất hiện rất nhiều tác giả với các bài bản công phu và có nhiều giá trị, có thể điểm qua một số bài bản nổi tiếng như: Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Quang, Hồ Quảng, Nam Xuân,…
Bên cạnh những nghệ nhân chốn cung đình, thời này còn có rất nhiều nghệ nhân và nhạc công nổi tiếng trong dân gian như Đẩu Nương, Biện Nhân, Tống Văn Đạt,…
Từ năm 1885 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 là giai đoạn ngưng đọng và suy thoái của ca Huế vì tình hình xã hội trở nên rối ren, nhiễu nhương. Thời này, ca Huế bị biến chất, trở thành một cách ăn chơi sa đọa của bọn bán nước. Chính vì vậy mà nhạc công thời này mới có cuộc sống lầm than bế tắc, bán rẻ tài năng và cả nhân phầm để mua vui cho những kẻ có tiền không hiểu được sự uyên bác, tao nhã của ca Huế.
Tuy vậy, giai đoạn này vẫn có những danh ca, danh cầm đã có công giữ gìn nghệ thuật quý báu của cha ông như ông Cả Soạn, ông Lý Vũ, ông Hầu Biều, ông Ưng Bát, cô Phủ Sảu, cố Trà,… Nhờ có họ mà thế hệ sau mới có cơ hội được phục hồi và thưởng thức ca Huế tao nhã, bác học.
Mãi cho đến sau năm 1954, ca Huế mới dần được phục hồi. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba là một cái tên tiêu biểu cho những người lưu tâm khôi phục và phát triển ca Huế. Ngoài ra, nhiều nghệ nhân cũng lập ra các đoàn ca kịch và đi biểu diễn ở nhiều nơi, lúc này, ca Huế được phổ biến nhiều hơn. Bên cạnh ông Nguyễn Hữu Ba, những danh cầm trong giai đoạn này có thể kể đến ông Đội Song, ông Văn Tạ, ông Mộng Tiên, cậu Tôn Lục, cậu Tôn Đổng,… Danh ca thì có cô Nhinh, cố Châu Loan, cô Bích Liễu, cô Vân Khánh, cố Bạch Liên,…
Ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, ca Huế lại có những bước chuyển biến, phát triển, hoặc suy thoái hay phục hồi; nhưng là ở giai đoạn nào thì cũng luôn có những con người một lòng gìn giữ loại hình nghệ thuật bác học này.
Giá trị nghệ thuật đặc sắc
Số lượng bài bản Ca Huế còn tồn tại đến bây giờ là khoảng 31 bàn bản, trong đó có 13 bài bản thuộc điệu Bắc, 5 bài bản thuộc điệu Nam, 5 bài bản thuộc điệu Nam xuân,… Các bài bản theo điệu Bắc có tính chất vui tươi, trong sáng, trang trọng và thuần khiết với 10 bài liên hoàn và 3 bài lẻ. Điệu Nam có 5 bài mang tính chất bi ai, vương vấn với cấu trúc giai điệu có nhiều lớp, luyến láy trong cách ca và có yêu cầu cao về phát âm. Điệu Nam xuân thì có tính bâng khuâng, mơ hồ, thiên về sắc thái buồn của điệu Nam.
Được mệnh danh là một loại âm nhạc bác học nên ca Huế đòi hỏi rất cao về kỹ thuật ca hát đối với nghệ sĩ biểu diễn. Cả người hát và nhạc công đều phải là những người có năng khiếu về âm nhạc và được trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu, lâu dài. Vì loại hình âm nhạc này có nhiều bài bản, hơi nhạc, điệu thức nên cách hát và thể hiện các sắc thái tình cảm phải khác nhau đồi với từng bài bản riêng biệt.
Không chỉ có yêu cầu cao về người ca, nhạc đệm cũng là một yếu tố quan trọng và được yêu cầu cao. Đã là ca Huế thì không thể không có phần phụ họa của các loại nhạc khí như đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn tranh, tam, cò và phách. Người nhạc công phải chơi thành thạo mọi bài bản của ca Huế từ điệu Bắc, điệu Nam, điệu Nam xuân và cả sự thay đổi các hơi nhạc trong các bài bản ca Huế.
Các điệu ca Huế được đánh giá là có quy mô lớn và phức tạp hơn so với các điệu dân ca. Bài “Tứ đại cảnh” là một ví dụ điển hình cho những bài ca bao gồm nhiều đoạn hoàn chỉnh gắn bó chặt chẽ với nhau và có cầu trúc gần với khai – thừa – chuyển – hợp trong luật thơ cổ.
Vì là một thể loại âm nhạc có sự cộng hưởng độc đáo giữa âm nhạc dân gian và nhạc thính phòng uyên bác nên ca Huế chính được xem là một thể loại âm nhạc đỉnh cao trong toàn bộ các di sản âm nhạc truyền thống của nước nhà. Cũng chính nhờ những giá trị nghệ thuật đặc sắc đó mà ca Huế đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào năm 2015.
Hướng bảo tồn và phát triển
Với nỗ lực của các nghệ nhân ca Huế và chính quyền, ca Huế vẫn luôn được giữ gìn và phát triển thông qua các buổi biểu diễn ở hằng đêm tại thuyền Rồng trên sông Hương; hoặc ở các lễ hội lớn như Festival Huế,… Dù vậy, việc bảo tồn loại hình âm nhạc bác học này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như nhạc công và người ca không có đủ kiến thức biểu diễn ca Huế. Ca Huế bị đẩy nhanh tốc độ làn điệu, bài bản làm mất đi sự tinh tế, tao nhã và thậm chí là bị biến tấu, lẫn với vè, ngâm thơ, chầu văn,… khiến nhiều du khách không hài lòng và mất hứng. Trang phục của người biểu diễn bị cách tân, không phù hợp cũng là yếu tố khiến ca Huế bị mất giá trị. Và trở ngại lớn nhất chính là số lượng người am hiểu và có thể biểu diễn ca Huế ngày càng ít đi.
Trước những thách thức đó, chính quyền đã có nhiều biện pháp để bảo tồn và phát triển loại hình âm nhạc này. Không chỉ tổ chức giảng dạy ở các trường cao đẳng, đại học có chuyên ngành liên quan như Học viện Âm nhạc Huế, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Huế mà còn mở rộng dạy hát ca Huế ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông để phố biến về loại hình nghệ thuật đặc sắc này của Cố đô. Bên cạnh đó, việc tổ chức các cuộc thi về ca Huế cũng được quan tâm để tạo sân chơi giao lưu giữa các nghệ nhân và giới trẻ, đồng thời nâng cao nhận thức cho giới trẻ về việc bảo tồn ca Huế. Ngoài tổ chức biểu diễn ca Huế ở các lễ hội lớn, chính quyền cũng tạo điều kiện để loại hình âm nhạc uyên bác này được tổ chức tại tư gia, vườn nhà,… để nâng cao độ phủ sóng của ca Huế.
Chính vì vậy, du khách có thể tin tưởng rằng ca Huế luôn được giữ gìn và phát triển đúng với bản chất vốn có của nó để vừa giữ được giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa của di sản; vừa phục vụ nhu cầu thưởng thức ca Huế của du khách.
Trải nghiệm nghe ca Huế: nghe ở đâu và chi phí như thế nào?
Nếu có cơ hội đến thăm xứ thơ, bạn hãy dành thời gian để thưởng thức những giai điệu du dương, tao nhã của ca Huế, được tham gia hoạt động thả hoa đăng trên dòng Hương giang thơ mộng và ngắm Huế lên đèn lung linh, ảo diệu về đêm.
“Ngắm, ngắm, ngắm non nước, bước chân lui chẳng đành
Cố đô nhiều vẽ xinh
Này sông núi khéo như tranh!
Thần Kinh hoa trôi dịu lành
Trầm lặng, tình, thêm tình
Trôi lơ lửng từ bãi ghềnh
Hương Giang tiếng nước trong xanh…”
Vì đang trong thời điểm kích cầu du lịch nội địa, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 nên giá vé nghe ca Huế năm 2021 còn “hạt dẻ” hơn cả trước đây với 90000 đồng cho một khách Việt Nam (áp dụng cho nhóm 10 khách) và 130000 đồng cho một khách nước ngoài. Thông thường, giá vé nghe ca Huế trên sông Hương chỉ bao gồm các dịch vụ: đón khách tại điểm hẹn hoặc khách sạn cách trong bán kính 2km, du thuyền trên sông Hương, thưởng thức ca Huế do các nghệ sĩ biểu diễn, thả hoa đăng trên sông Hương và tiễn khách tại bến Tòa Khâm Huế. Ngoài ra, các dịch vụ khác như thức uống trên thuyền rồng hay đưa khách trở về điểm hẹn không nằm trong giá vé. Nếu đi nhóm đông người thì bạn nên đặt vé trước, còn đi một mình hoặc nhóm lẻ tầm ba, bốn người trở lại thì chỉ cần đến bến Tòa Khâm Huế mua vé là có thể trải nghiệm ca Huế trên sông Hương.
Hiện nay, mỗi tối có 3 suất diễn ca Huế kéo dài 50 phút với các khung thời gian như sau:
Show 1: 19h00 đến 20h00
Show 2: 20h00 đến 21h00
Show 3: 21h00 đến 22h00 (áp dụng cho mùa hè 2021)
Xem chi tiết: dịch vụ ăn tối đặt vé ca Huế
Tố Trinh