Đại Nội Huế

Kinh thành Huế là một quần thế di tích văn hoá được công nhận là di tích văn hoá thế giới. Chính vì vậy mà khi đến vùng đất Cố đô này thì không thể bỏ qua Đại Nội Huế. Đặc biệt, để mừng Tết cổ truyền nên trong 3 ngày Tết đầu năm, chỉ cần là người Việt Nam thì sẽ được miễn phí vé vào cổng. Đồng thời trong ba ngày này tổ chức các hoạt động vui xuân như tái hiện lễ đổi gác tại Ngọ Môn, múa Lân sư rồng ở trước sân điện Thái Hòa, trình tấu Đại nhạc ở di tích Thế Miếu, chương trình nghệ thuật “âm sắc cung đình”, trình tấu Tiểu nhạc ở sân điện Thái Hòa, trình diễn thư pháp…

Đại Nội Huế

Ngoài ra, vào những ngày cuối năm, tại đây sẽ diễn ra nhiều sự kiện văn hóa mừng Tết Nguyên Đán như: Ngày 2 tháng 2 tức là 21 tháng Chạp, tại sân Đại Triều Nghi (Đại Nội Huế) lần đầu tiên sẽ tái hiện lễ thiết triều theo các nghi thức xưa dưới thời nhà Nguyễn. Tiếp đó, lễ dựng nêu diễn ra ngày 23 tháng Chạp tại Triệu Miếu, Thế Miếu và điện Long An. Tiếp theo là triển lãm “Thơ xuân trên kiến trúc cung đình Huế” tại trường lang Đại Cung Môn vào ngày 24 tháng Chạp. Hôm sau – tức là 25 tháng Chạp, tại đây sẽ diễn ra chương trình “Hương xưa bánh Tết” tại nền điện Cần Chánh, bao gồm trình diễn thư pháp và tặng chữ, hội thi gói bánh chưng, bánh tét… để gợi nhớ về Tết cổ truyền dân tộc. Đến ngày mồng 7 Tết Nguyên đán kết thúc bằng lễ hạ nêu.

Chùa Thiên Mụ

Vào ngày đầu năm, người Việt thường có tập tục lên chùa hái lộc đầu năm, xin câu chữ với mong muốn cầu cho bản thân, gia đình, bạn bè,… được hạnh phúc, bình an. Chùa Thiên Mụ – ngôi chùa không chỉ nổi tiếng với nét đẹp tâm linh mà còn được mọi người biết là nơi đến chứa nhiều kiến trúc đồ sộ, phong cảnh đẹp. Vì vậy, nơi đây trở thành lựa chọn hàng đầu cho việc viếng chùa đầu năm của đất Huế.

Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ hiện toạ lạc trên ngọn đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, ngay giữa một không gian thiên nhiên thơ mộng đầy trữ tình. Đứng từ xa cũng có thể dễ dàng nhìn thấy ngôi tháp cao ngất, đây như là một biểu tượng mà bất kì ai cũng nhớ tới khi đặt chân đến với thành phố Cố đô này.

Vào dịp Tết, cùng gia đình đi lễ chùa và lắng nghe tiếng chùa âm vang bên tai hoà vang trong cảnh sắc thiên nhiên nên thơ cùng với hoạt động hái lộc, xin câu chữ đầu năm sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng, bình yên để bắt đầu một năm mới.

Ngoài chùa Thiên Mụ, ở Huế còn có nhiều ngôi chùa cũng tổ chức lễ hái lộc đầu năm, xin câu chữ,… như chùa Kim Sơn, chùa Cát Tường, chùa Huyền Không Sơn Thượng, chùa Từ Hiếu…

Những làng nghề cổ truyền rộn ràng vào dịp Tết

Tết Nguyên Đán là tết quan trọng nhất của người Việt, vì vậy trong khoảng thời gian này, mọi người dân ở Huế đều tất bật chuẩn bị cho dịp lễ Tết đến này. Tiêu biểu là các làng nghề truyền thống nhộn nhịp với các công đoạn chuẩn bị lễ Tết làm Tết thêm trọn vẹn, ý nghĩa. Vào những ngày này, không khí quanh làng rộn ràng mang vẻ đẹp riêng chỉ lúc Tết mới có.

Bánh tét làng Chuồn

Bánh Tét làng Chuồn

Làng Chuồn là làng nghề truyền thống được nhiều người biết đến không chỉ với món bánh tét mà còn với cả bánh chưng. Họ gửi gắm công ơn đất trời vào câu chuyện “bánh chưng, bánh giầy”, cũng là cách họ làm cho cái Tết dân tộc thêm ý nghĩa. Về làng Chuồn trong những ngày cận Tết mới cảm nhận được không khí nhộn nhịp, vui tươi, hối hả của dân làng sẵn sàng cho vụ làm bánh tét cổ truyền phục vụ Tết ở Huế.

Làng hương Thủy Xuân

lang huong thuy xuan

Làng nghề cổ truyền này nằm trên con đường Huyền Trân Công Chúa – đây cũng là con đường dẫn lên hai địa danh nổi tiếng khác của Huế là lăng Tự Đức và đồi Vọng Cảnh. Với suy nghĩ những cây hương do mình làm ra sẽ mang phong vị Tết cổ truyền đến từng nhà, từng vùng, làm cho không khí ngày Xuân thêm ấm áp và thắt chặt hơn sợi dây nguồn cội. Do vậy, vào các ngày cuối năm, người dân làng hương Thủy Xuân nỗ lực chạy đua với thời gian để tạo ra càng nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân,

Làng hoa giấy Thanh Tiên

Làng hoa giấy Thanh Tiên

Làng hoa giấy Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, Phú Vang, là một làng nghề nổi tiếng ở Huế có truyền thống hơn 300 năm. Không khí làng luôn rộn rã vào tháng Chạp hàng năm vì phải họ tất bật chạy đua với thời gian để đưa ra thị trường những cành hoa đẹp. Bên cạnh không khí nhộn nhịp làm lòng người nôn nao với ngày Tết, khung cảnh làng cũng rực rỡ màu sắc hẳn lên nhờ sự xuất hiện của những cành hoa giấy có thể dễ dàng bắt gặp từ đầu đến cuối làng. Vì vậy vào những ngày này, làng Thanh Tiên thích hợp làm nơi du lịch vào dịp Tết.

Tranh làng Sình

tranh lang sinh

Làng Sình thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây nổi tiếng với hội vật truyền thống vào mồng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Ngoài ra, làng Sình còn được mọi người biết đến với nghề làm tranh dân gian mỗi dịp tết đến xuân về. Điều này làm nổi bật nét đẹp truyền thống gắn với tín ngưỡng dân gian, mang đậm văn hóa tâm linh của người dân Việt . Vì vậy vào giai đoạn này, làng không chỉ nhộn nhịp vì các hoạt động cuối năm mà còn vì các du khách tấp nập tham quan nơi lưu giữ nét đẹp tâm linh của người Việt.

7 khu lăng tẩm cổ kính ở Huế

Để mừng lễ Tết Nguyên Đan mà vào mỗi dịp Tết đến, Huế miễn phí vé vào cửa ở các khu di tích cho người dân vào tham quan. Ngoài Đai Nội nổi tiếng đã được nêu trên thì còn có 7 khu lăng tẩm của các vua Nguyễn cũng không kém các khách tham quan vào dịp Tết hằng năm.

Lăng Gia Long

Lăng Gia Long

Lăng Gia Long là nơi an nghỉ của vị vua sáng lập nên triều Nguyễn, đây là công trình có kiến trúc giản dị, gần gũi với vẻ hoang sơ của thiên nhiên.
Lăng Gia Long là nơi duy nhất mà vua và hoàng hậu được song táng, hình ảnh hai ngôi mộ nằm cạnh nhau thể hiện một câu chuyện tình yêu đẹp và thủy chung. Đây chính là điểm khác biệt nhất của lăng mộ này so với những nơi khác.

Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng là một trong những lăng tẩm được đánh giá là uy nghi, chuẩn mực nhất trong những kiến trúc của thời nhà Nguyễn. Toàn bộ khuôn viên La thành có diện tích 1.750m được sắp xếp đăng đối với nhau tạo nên một quần thể kiến trúc vô cùng đẹp mắt. Đây là một mô hình kiến trúc quy mô gồm 40 công trình khác nhau: cung điện, đền miếu và đài tạ,… được bố trí trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700m từ Đại Hồng môn ở ngoài cùng tới chân tường của la thành sau mộ vua.

Đặc biệt, vào năm nay, tại lăng vua Minh Mạng khai mạc triển lãm “200 năm ngày vua Minh Mạng lên ngôi” vào ngày 21 tháng Chạp tức là ngày 2 tháng 2.

Lăng Thiệu Trị

Lăng Thiệu Trị

Lăng Thiệu Trị là nơi an nghỉ của vua Thiệu Trị – vị vua thứ ba triều đại nhà Nguyễn, là một trong những di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993 Lăng nằm ở xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách Kinh thành Huế khoảng 8km. Lăng gồm có 2 khu vực là Lăng và Tẩm, với vẻ đẹp kiến trúc đơn giản, gần gũi, dựa lưng vào chân núi Thuận Đạo, và hòa hợp với cảnh thiên nhiên xung quanh.

Lăng Tự Đức

Lăng Tự Đức

Nằm ở một thung lũng hẹp thuộc thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, cách TP Huế 8km. Lăng được mệnh danh là một trong những công trình đẹp nhất của thời nhà Nguyễn, lăng Tự Đức là nơi yên nghỉ của ông vua thi sĩ Tự Đức. Với kiến trúc mang đậm nét tinh tế, bao bọc bởi một không gian xanh mượt của núi rừng cây cỏ, lăng Tự Đức được xây dựng phù hợp với một tâm hồn thi sĩ lãng mạn, mộng mơ nhưng không kém phần uyên bác, thâm thúy.

Lăng Dục Đức

Lăng Dục Đức

Lăng được xây dựng tại Phường An Cựu, TP Huế. Ở đây có khoảng 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ, chia ra làm 2 khu vực là lăng và tẩm, nằm cách xa nhau khoảng hơn 50 mét. Cả hai khu vực này đều được xây thành bao bọc xung quanh. Công trình chính của khu tẩm điện là điện Long Ân với đặc trưng kiến trúc kiểu cung điện Huế, gồm 6 bộ vì kèo nóc ở 5 gian nhà trước được kết cấu theo lối “chồng rường giả thủ”, trang trí mặt hổ phù rất tinh xảo. Đây là công trình kiến trúc gỗ có giá trị nghệ thuật trong hệ thống công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn ở Cố đô.

Lăng Đồng Khánh

Lăng Đồng Khánh

Lăng Đồng Khánh được xây dựng tại làng Cư Sĩ, nay là thôn Thượng Hải, xã Thủy Xuân, TP Huế. Đây là lăng mộ của vua Đồng Khánh, trải qua 4 đời vua (1888 – 1923) mới hoàn thành thế nên lăng mang dấn ấn của hai trường phái kiến trúc khác nhau: kiến trúc truyền thống thời phong kiến và kiến trúc phương Tây. Lăng Đồng Khánh là mở đầu cho thời kì kiến trúc pha trộn Âu Á, Tân Cổ.

Lăng Khải Định

Lăng Khải Định

Được xây dựng trên núi Châu Chữ, cách TP Huế khoảng 10km. Đây là công trình có diện tích khá khiêm tốn nhưng được xây dựng vô cùng tỉ mỉ trong thời gian 10 năm, bắt đầu từ năm 1920. Ở đây có hai bức bích họa trang trí trên trần nhà gian giữa trong cung Thiên Đinh, được đánh giá rất cao về sự hoành tráng và về mặt giá trị.

 

Tâm Anh