Nằm trên dải đất miền Trung, Huế vừa là thành phố di sản văn hóa thế giới vừa là một trong những vùng đất du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều du khách nhất Việt Nam. Cố đô vốn có nền lịch sử và truyền thống lâu đời với những giá trị văn hóa như nhã nhạc cung đình Huế, nhiều công trình kiến trúc độc đáo, cùng ẩm thực đặc sắc và có nét đẹp bản sắc độc đáo.
Dường như mỗi thành phố của Việt nam đều có một biệt danh cho riêng mình: Hà Nội nghìn năm văn hiến, Sài Gòn hòn ngọc viễn Đông, Đà Nẵng thành phố của những cây cầu, Đà Lạt thành phố ngàn hoa, Hải Phòng thành phố hoa phượng đỏ,… còn Huế thì lại là xứ sở mộng mơ, là mảnh đất cố đô luôn gắn liền với vẻ mộng mơ, xưa kính của vùng đất kinh kỳ, dịu dàng, đắm thắm như thời gian vẫn luôn đi chậm lại nơi đây.
Thế nhưng Huế không chỉ có những di tích xưa cũ mà còn được thiên nhiên ưu ái khi nằm ẩn mình giữa muôn vàn cảnh đẹp của biển, sông, núi, đèo…. Nếu bạn bỗng dưng muốn rời khỏi phố thị ồn ào, hãy lưu ngay những kinh nghiệm du lịch Huế và bắt đầu mơ về một cuộc dạo chơi bình yên, chẳng hề vội vã, chậm rãi thưởng thức vẻ đẹp của mảnh đất này.
1. Khí hậu đặc trưng ở Huế.
Mục lục
Ở Huế thời tiết chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa khô thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8, nhiệt độ vào mùa này có thể lên đến 35 – 40 độ C, trời cực kỳ nắng nóng và oi bức. Mùa mưa lại thường từ tháng 8 đến tháng 1 nhiệt độ mùa này thường giảm thấp từ 18 – 20 độ C đôi lúc thấp dưới 10 độ C, bắt đầu tháng 10 là mùa bão lụt ở Huế.
Ở Huế mùa xuân kéo dài từ tháng 1 đến cuối tháng 2 , thời tiết lúc này rất đẹp, nắng chiếu rọi qua hàng cây, không khí mát mẻ, đôi lúc lại se se lạnh, đây là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm của Huế. Bên cạnh đó từ tháng 9 – 11 ở Huế là mùa thu – mùa đẹp nhất bởi những cánh hoa bằng lăng tím, phượng vàng trải đầy khắp các con đường, tạo nên khung cảnh vô cùng nên thơ.
Thời tiết ở Huế khá đa dạng và mang đặc trưng của từng mùa vậy du khách nên cân nhắc về thời điểm khi đến Huế và lựa chọn thời điểm đi du lịch đẹp nhất và thích hợp cho chuyến đi của bạn.
2. Nên đi du lịch Huế mùa nào?
Sẽ rất khó có thể khẳng định được thời điểm nào trong năm để đi du lịch Huế là lý tưởng nhất. Bởi tại mỗi giai đoạn, Huế đều mang trong mình những nét đẹp riêng, một nét đẹp đặc trưng. Vì vậy hãy xem xét cho phù hợp vào nhu cầu và mục đích chuyến đi để quyết định đi Huế mùa nào đẹp nhất.
Tháng 1 đến tháng 3.
Nếu du lịch từ tháng 1 đến tháng 3, dù không rõ rệt nhưng Huế cũng có một mùa xuân riêng, vẫn có chút nét đẹp như những nơi khác. Đây là thời điểm giao mùa giữa đông và xuân, cái lạnh dần biến mất nhường chỗ nắng xuân ấm áp với khung cảnh giao mùa đầy nên thơ, trữ tình, khoác lên Huế một bộ áo mới căng tràn sức sống nhưng vẫn phảng phất nét e lệ, ưu tư.
Mùa này đến Huế bạn sẽ bắt gặp hình ảnh một thành phố với cây cỏ cũng dần đâm chồi nảy lộc, những con đường ngập đầy hoa, tô vẽ nên một bức tranh xanh tươi mơn mởn của mùa xuân.
Tháng 4 (Festival Huế): thời điểm tốt nhất để đi du lịch tại Huế
Vào tháng 4, Huế lại nhộn nhịp, náo nức với mùa lễ hội ca hát – Festival Huế. Nếu bạn là người yêu thích vẻ mộng mơ của xứ Huế, bạn sẽ khám phá được những nét văn hóa đặc thù mà qua sách báo và tranh ảnh không thể cảm nhận được tất cả. Festival ở Huế được tổ chức hằng năm, là thời điểm Huế náo nhiệt hơn, bận rộn hơn với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật và giải trí đặc sắc của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nơi trên đất nước và thế giới, được biết là lễ hội lớn và đặc sắc nhất, cũng là một trong những lễ hội lớn nhất ở Việt Nam.
Vùng đất Cố đô Huế trở nên quyến rũ bởi những màu sắc rực rỡ, thành phố được trang hoàng lộng lẫy rực rỡ với những chiếc đèn lồng, đèn diện đủ màu sắc như những cung điện hoàng gia. Nếu du khách chưa từng đến Huế hoặc mong muốn tìm hiểu văn hóa và đặc trưng, đặc biệt ở Huế thì Festival Huế là thời điểm thích hợp nhất để tham gia.
Tháng 5 đến tháng 7: thời điểm của những trải nghiệm thú vị
Không khí mùa hè nóng nực, oi bức sẽ làm cho bản thân trở nên bực bội và mệt mỏi, vì thế hãy đến với Huế cùng hòa mình vào làn nước xanh mát của biển Lăng Cô, làn sóng trắng xóa mát rượi và những bãi cát trắng trải dài của biển Thuận An. Đầm Lập An cũng là nơi lý tưởng để bạn có thể ghi lại cho mình những bức ảnh sống ảo nghệ thuật cũng chính là tuyệt tình cốc ở Huế mà bao người nhắc đến Đầm phá Tam Giang. Khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 cũng là thời điểm lý tưởng để trải nghiệm cuộc sống của ngư dân miền biển: được cùng người dân ra biển đánh bắt thủy hải sản, nuông chiều vị giác với các món ăn địa phương và thả mình vào khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp của vùng đầm phá.
Đây cũng là thời điểm để trải nghiệm Ca Huế sông Hương: Di sản Văn hóa khi thăm xứ thơ
Là loại hình nghệ thuật đặc sắc của Cố đô, ca Huế từng được giới hoàng tộc, quý tộc xưa xem là thú vui tao nhã. Nhờ được kế thừa, phát triền; ca Huế tồn tại đến ngày nay và được biểu diễn trên các thuyền rồng trên sông Hương vào mỗi đêm.
Tháng 8.
Cũng lạ lắm, vừa ngọt ngào, vừa êm dịu nhưng cũng rất tinh khôi như tà áo trắng của cô nữ sinh ngày khai trường rộn rã, sau những chuỗi ngày nắng gắt của mùa hè là đến mùa thu của đất Huế. Mùa thu xứ Huế thường trôi qua rất nhanh, tới nỗi bạn khó kịp nhận ra, nhưng cũng đủ để lại những xúc cảm thật đặc biệt. Mùa thu Huế rơi vào khoảng tháng 8, thời điểm bắt đầu có những cơn mưa nhè nhẹ nhưng mưa chưa nhiều và đất trời còn đỏng đảnh lắm. Mùa thu đến Huế, không chỉ để ngắm cảnh vật qua màn mưa và nghe thời gian trôi qua thật chậm, thời điểm này cũng thích hợp nhất để tham quan các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh vì Huế là nơi tọa lạc của cố đô. Ta chọn mùa thu Huế để tìm thấy sự an yên từ trong tâm hồn, để trong bầu không gian cổ kính và nhuốm màu thời gian ấy mang đầy âm điệu của xứ Huế mộng mơ. Thật thi vị làm sao khi ngồi lặng yên trong khoảnh khắc đó và thưởng thức di sản phi vật thể huế – Nhã nhạc cung đình, nghe thơ nghe ca, uống trà hay thiền định.
Tháng 9 đến tháng 12: mùa đông khám phá văn hóa và lịch sử
Lặng lẽ Hoàng Thành phủ khói sương
Chuông ngân lạc lõng giữa đêm trường
Đèn khuya le lói soi dòng nước
Phượng vĩ đìu hiu nép góc đường
Phố cổ mưa giăng xao xuyến mộng
Vườn chiều gió giật não nề thương
Nam Ai vẳng khúc bâng khuâng dạ
Khắc khoải tơ lòng nỗi vấn vương.
Mùa Đông Xứ Huế – Thơ: Ngô Quang Hùng
Thời điểm phù hợp để tận hưởng “mùa đông cố đô” thì tháng 9 đến tháng 12 là thời gian phù hợp cho bạn đi du lịch ở Huế. Mùa đông ở Huế đâu chỉ có những cơn mưa làm ngập lụt phố xá, mới rời xa những ngày mưa bão là Huế lại chìm trong cái lạnh vội vàng đến của cơn gió mùa thổi từ miền Bắc vào. Thời điểm này bạn nên thưởng thức những món đồ nướng nóng nổi vỉa hè nổi tiếng tại Huế như: khoai lang nướng, bắp nướng mỡ hành, mực nướng,…ngồi trong cơn mưa lạnh giá của xứ Huế mà tận hưởng thì có gì bằng.
Vào những ngày sớm mùa đông, ngoài trời mưa rả rích mang theo cơn gió se lạnh khiến con người muốn vùi sâu vào chăn dày ấm áp. Đi trên con đường, có thể dễ bắt gặp những chiếc áo mưa sặc sỡ sắc màu tạo nên vô số cầu vồng giữa xứ Huế thân thương. Mưa Huế đã trở thành nét đặc sắc của vùng đất cố đô, mưa Huế mang trong mình hơi thở da diết làm con người ta nhớ đến những kỉ niệm xa xưa, giúp người ta yêu thương cũng như quý trọng những kỉ niệm hiện tại hơn nữa.
3. Đến những đâu khi đến Huế?
3.1 Đại Nội Huế.
Đại nội Huế là địa điểm du lịch Huế hội tụ các nét đẹp kiến trúc đỉnh cao của thời đại phong kiến nhà Nguyễn, toàn bộ hệ thống hoàng thành cung điện bên trong đều tuân thủ theo nguyên tắc “tả nam hữu nữ” và “tả văn hữu võ”. Có hơn 100 công trình kiến trúc nổi bật như Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, Hưng Miếu, Thế Miếu… Đại Nội Huế có 4 cửa được bố trí ở 4 mặt phía Nam là Ngọ Môn, phía Bắc là cửa Hòa Bình, phía Tây là cửa Chương Đức và phía đông là cửa Hiển Nhơn.
Đến nay, trải qua bao biến động của thời gian, nhưng với tư cách là di sản vô giá của dân tộc, là thành quả lao động của hàng vạn người, Khu di tích Đại Nội ở Huế vẫn luôn là một công trình lịch sử minh chứng cho sự tồn tại của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
3.2 Các khu lăng tẩm của vua chúa.
Triều đại nhà Nguyễn có 13 vị vua nhưng chỉ có 7 khu lăng tẩm được xây dựng, mỗi khu lăng tẩm đều có những thiết kế kiến trúc riêng biệt. Người ta thường nghĩ các khu lăng tẩm thì sẽ chốn mộ địa u buồn tối tăm nhưng khi đến mới biết được rằng phong cảnh hữu tình nên thơ như thế nào.
Lăng Gia Long
Lăng Minh Mạng
Lăng Thiệu Trị
Lăng Tự Đức
Lăng Đồng Khánh
Lăng Dục Đức
Lăng Khải Định
Bắt đầu với Lăng của vua Gia Long có chu vi hơn 11.000 mét, trước mặt là những thế núi hùng vĩ, tráng lệ với ngọn núi Đại Thiên Thọ, mỗi bên có 14 ngọn núi tạo thành thế “tả thanh long” và “hữu bạch hổ”. Không gian quanh lăng hài hoà của núi non xanh mát, sông nước, cây cỏ, gợi nên không gian uy nghi, yên tĩnh tĩnh mịch đến lạ kì gợi nên nét trang nghiêm, uy nghi của vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn.
Lăng Khải Định là lăng có sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây cũng là công trình có diện tích nhỏ nhất so với các lăng tẩm khác, nhưng không vì vậy mà không được chú trọng, được biết Lăng của vua Khải Định là tốn công sức và tiền của nhất trong là công trình lăng tẩm triều Nguyễn.
Lăng Tự Đức được biết là trong những lăng tẩm đẹp nhất của Triều đại nhà Nguyễn, nằm trong một thung lũng hẹp ở thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, TP Huế nên Lăng có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy vô cùng hữu tình.
So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Đức có phần hơi khiêm tốn với kiến trúc đơn giản. Phía trước lăng có cồn Phước Quả, phía sau lăng có núi Tam Thai bảo vệ, che chắn, dòng nước từ khe chảy vòng qua trước mặt làm ‘minh đường tụ thủy’ mang lại ý nghĩa rất tốt, được xem là phúc khí, điềm tốt..
Lăng Minh Mạng mang nét đẹp của khung cảnh thơ mộng và hữu tình, xen giữa các công trình kiến trúc cổ đều có hồ nước trong xanh, mùa hè sen nở thơm ngát.
Nếu những lăng tẩm của các vị vua Huế thường mang đến cảm giác uy nghi, nghiêm trang thì lăng Thiệu Trị lại khác. Lăng Thiệu Trị chinh phục du khách bởi cảm giác thân thuộc, gần gũi mà vô cùng yên mình, thư thái và không gian thoáng đãng, trong lành. Nằm sát núi Thuận Đạo, thuộc làng Cư Chánh, xã Thuỷ Bằng, lăng Thiệu Trị đắm mình trong không gian đồng quê với những vườn cây trĩu quả xanh mát bao phủ, những cánh đồng lúa mênh mông mênh mông bạt ngàn.
Lăng vua Đồng Khánh mang đến lối kiến trúc kết hợp phong kiến truyền thống với ảnh hưởng nét kiến trúc Tây Âu làm hài hoà giữa kiến trúc và cảnh thiên nhiên dân dã trong vùng đã mang lại sự độc đáo riêng biệt. Lăng Đồng Khánh cũng là nơi chôn cất phần mộ vua Hàm Nghi (1874 – 1944).
3.3 Trường Quốc học.
Trường Quốc Học còn được biết đến với cái tên khác là trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc Học. Ngôi trường nằm trên một khuôn viên vô cùng rộng rãi giữa bốn con phố tấp nập bên cạnh dòng sông Hương thơ mộng đan xen với các vườn cây xanh râm mát và ở ngay giữa trung tâm thành phố Huế cổ kính.
Trường Quốc Học Huế nổi bật với chiếc cổng và hàng rào màu đỏ sẫm – nét đặc trưng của âm hưởng Á Đông trên trục đường chính nhộn nhịp. Từ sân trường, mái ngói, bức tường đỏ thẫm đến các dãy lớp học đều vô cùng hài hòa và thơ mộng. Khung cảnh như mang bạn trở về những năm đầu của thế kỉ XX với những kiến trúc của nước Pháp. Ngôi trường đã trải qua hơn 126 năm lịch sử và cũng là một trong 3 ngôi trường lâu đời nhất ở Việt Nam. Trường Quốc Học Huế là nơi “sản sinh” ra nhiều nhân tài kiệt xuất của Việt Nam như chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng bí thư Phạm Văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà sử học Đào Duy Anh, bác sĩ Đặng Văn Ngữ…
3.4 Chợ Đông Ba
Với 123 năm hình thành và phát triển, Chợ Đông Ba là một biểu tượng của đất cố đô, là một địa điểm du lịch Huế quanh năm tấp nập người mua kẻ bán vô cùng sầm uất và náo nhiệt. Nằm giữa cầu Tràng Tiền và cầu Gia Hội, chợ có hàng ngàn giàn hàng lớn nhỏ bày bán đủ các sản phẩm như quần áo, vải, mũ nón; các loại mắm cũng như trái cây chỉ có ở Huế. Hoặc nếu bạn không muốn mua sắm thì có thể tìm thấy các món ngon , đặc sắc, đặc sản của Huế. Khi đi vào chợ, bạn sẽ thấy đủ loại màu sắc sặc sỡ, không gian tấp nập tạo nên cảm giác thật thân quen đến kỳ lạ.
3.5 Sông Hương – Cầu Tràng Tiền.
Tình yêu trong lúc ngẩn ngơ
Bỗng dưng vớ được câu thơ làm thuyền
Bấy giờ vừa lúc trăng lên
Thuyền tôi ở giữa bốn bên chuông chùa
Bấy giờ sóng cứ ru đưa
Làm thuyền tôi đắm sao chưa đắm thuyền
Chơi thuyền trên sông Hương (1989) – Tác giả Đồng Đức Bốn
Nếu đến Huế rồi hỏi có địa điểm nào du lịch nào đã in đậm trong vân thơ thì câu trả lời sẽ luôn là Sông Hương. Sông Hương giống như một dải lụa hiền hòa uốn lượn quanh co giữa núi rừng bao bọc Huế bởi dòng chảy lượn uốn qua các làng mạc từ Kim Long, Vĩ Dạ đến Ðông Ba, Gia Hội, Nam Phổ. Khoác lên mình vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình, làm đắm say lòng người Sông Hương quyện với mùi thơm của các loài hoa xứ Huế đưa đi khắp nơi, được xem như món quà tặng vô giá thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Nếu muốn ngắm thành phố lung linh ánh đèn từ dòng Hương bạn hãy du ngoạn trên sông bằng thuyền rồng và thưởng thức “đặc sản” ca Huế. Ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế, bao gồm ca và đàn, ở nhiều phương diện khá gần gũi với ca trù, làm từ dòng nhạc dân gian bình dị và cung đình nhã nhạc, thanh cao.
Cầu tràng tiền 6 vài 12 nhịp là cụm từ mà mỗi người dân Huế không ai không biết, bắc ngang qua dòng sông Hương cầu Tràng Tiền duyên dáng soi bóng dưới dòng nước êm ả qua ngày. Vừa là biểu tượng đặc trưng của xứ Huế vừa là chứng tích lịch sử chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử của đất nước, cầu Tràng Tiền như một người cha, một người mẹ chờ đợi đứa con xa xứ trở về mỗi ngày.
Ban ngày cầu Tràng Tiền in bóng trầm ngâm ngắm nhìn thành phố Huế, nhưng khi về đêm cầu lại được tô điểm với những ánh đèn lấp lánh nổi bật. Bạn khi đi trên cầu Tràng Tiền có thể chụp được những kiểu ảnh chất lượng nhất cũng như cổ kính nhất, khi đói bụng cũng có thể xuống chân cầu để thưởng thức những món vặt ngon nứt lòng.
3.6 Núi Ngự Bình.
Núi Ngự Bình gắn liền với đời sống của người dân xứ Huế bao đời nay, nổi bật với rừng thông xanh ngát, ngắm nhìn dòng sông, cây cỏ, các kiến trúc độc đáo trên đỉnh núi đã tạo nên một bức tranh sinh động, độc đáo. Ngọn núi có hình thang, bậc thang tự nhiên, đỉnh núi bằng phẳng tương tự như một chiếc bình phong. Người dân xứ Huế quan niệm rằng những làn gió mát dịu từ ngọn núi này mang đến cho người dân địa phương những điều may mắn, bình an trong cuộc sống. Khi hoàng hôn buông xuống, du khách còn được thưởng thức một bức tranh nên thơ, khoảng trời vàng hòa quyện với sắc xanh của khu rừng cây, một vẻ đẹp đặc trưng trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế.
3.7 Vườn quốc gia Bạch Mã.
Núi Bạch Mã cách trung tâm khoảng 40 km ở độ cao 1.450m, là địa điểm du lịch Huế nổi tiếng dừng chân ngắm hoàng hôn. Núi Bạch Mã có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu bốn mùa mát mẻ, thích hợp là điểm tham quan, nghỉ dưỡng cho những ai yêu du lịch, cũng là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.
Với vẻ đẹp hút hồn của thiên nhiên và phong cách thiết kế vô cùng độc đáo, du khách không chỉ đắm chìm trong sắc xanh của núi rừng, đến với núi Bạch Mã Huế, còn được lắng nghe tiếng suối chảy róc rách, ngắm nhìn ngọn thác đổ hùng vĩ, nên thơ trữ tình. Với những con suối và nhiều ngọn thác ngoạn mục như thác Đỗ Quyên, thác Bạc; từ trên đèo Hải Vân, núi Túy Vân có thể ngắm toàn cảnh đẹp hưởng thụ không khí trong lành, xua tan mệt mỏi và muộn phiền trong cuộc sống.
Cùng với vẻ đẹp thơ mộng vốn có, nơi đây đã trở thành địa điểm của nhiều nhà thơ, nhiếp ảnh gia tạo ra những bức ảnh tuyệt đẹp. Đặc biệt nhiều cặp đôi còn chọn nơi đây là điểm chụp ảnh cưới của mình; gia đình và bạn bè cũng có những bức ảnh đẹp lưu giữ kỉ niệm và thoải mái tận hưởng chuyến picnic giữa không gian bao la, thoáng mát.
3.8 Lăng Cô.
Vịnh Lăng Cô nổi tiếng với những cồn cát trắng, nước biển trong vắt, bồn bề núi cao bạt ngàn nhờ vị trí đắc địa: nằm giữa một nhánh của dãy Trường Sơn, hai bên là đèo Hải Vân và đèo Phú Gia hùng vĩ. Nếu muốn cả Lăng Cô nằm trọn trong tầm mắt thì góc nhìn từ đèo Hải Vân nhìn xuống Vịnh Lăng Cô là tầm nhìn rộng mở và bao quát nhất.
Chiều dài bãi biển chạy dài hun hút hơn 10 km đến tận chân trời và gần hòa làm một với khu rừng nguyên sơ cùng làn nước xanh ngắt như ngọt bao la rộng lớn tuyệt đẹp. Cảnh sắc thiên nhiên trữ tĩnh, hội tụ đủ cả sông, núi, biển và đầm phá Lăng Cô luôn khiến du khách cảm thấy thật nhỏ bé khi được đắm chìm giữa vẻ đẹp hữu tình của “chốn bồng lai tiên cảnh”.
Nước biển của Vịnh Lăng Cô nổi tiếng trong xanh, bờ cát trắng trải dài thoai thoải dốc nên phải lội rất xa bờ, nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 25 độ C, không khí vô cùng mát mẻ và trong lành, để bạn có thể chơi các trò chơi ở trên biển, là điểm du lịch nghỉ dưỡng vô cùng tuyệt vời dành cho du khách.
Không chỉ có thế, Lăng Cô còn thu hút du khách đến đây tìm hiểu, chiêm ngưỡng khung cảnh núi non hùng vĩ, hòa lẫn vào biển cả bao la và màu xanh bạt ngàn của rừng nguyên sinh nhiệt đới.
Vịnh Lăng Cô vốn là một làng chài vậy nên nơi đây có một nguồn hải sản phong phú, quý hiếm. Hải sản tươi ngon, chủng loại phong phú và quan trọng là giá cả phải chăng như ghẹ, tôm, mực, vẹm xanh, sò huyết, hàu, tu hài, chip chip, ốc, cá chình, sò huyết. … và đặc biệt là sò huyết Lăng Cô ngon nổi tiếng cả nước và các loại cá hương vị thơm ngon, mang giá trị dinh dưỡng cao.