Trong khi những thành phố khác đều xây nhiều những khu vui chơi, giải trí hay những khu resort tiện nghi, hiện đại để thu hút khách thì cố đô Huế vẫn giữ vững nét đẹp cổ kính, hấp dẫn hiếm thấy. Nét cổ xưa đậm chất văn hóa chính là điều tạo nên sức hấp dẫn sống mãi với thời gian của đất cố đô.   

Đến với cố đô, nếu ai đã từng trải nghiệm du lịch trên sông Hương chắc hẳn sẽ khó lòng quên được hình ảnh của những cô gái Huế thơ mộng với tà áo dài dạo bước bên bờ sông. Những cô gái Huế không chỉ nổi tiếng bởi những nét nết na, nhu mì mà còn được biết đến bởi các cô nàng sở hữu giọng hát say đắm lòng người. Nói như vậy bởi lẽ, du khách đến Huế tham quan ngoài việc ngắm phong cảnh, thăm thú các di tích lịch sử nơi này thì trên chiếc thuyền rồng cũng không kém phần ấn tượng này, du khách còn có cơ hội được ngâm mình trong những làn điệu ca Huế trầm lặng, sâu lắng mà trữ tình.  

Thuyền rồng xưa và nay 

Thú vui tao nhã của Hoàng tộc kinh thành 

Lịch sử tạo nên phương tiện Hoàng gia 

Huế đã từng là nơi sinh sống và trị vì của 13 đời vua chúa triều Nguyễn. Cũng chính vì vậy mà không lạ gì khi nơi đây hội tụ nhiều thú vui tao nhã và đậm chất phong cách của Hoàng tộc. Với Hoàng tộc và các quan lớn thì hưởng thụ những những điều mới lạ mà không kém phần cao quý là thói quen sinh hoạt trong đời sống. Và vì thế, một trong những thú vui tao nhã đặc trưng và nổi bật mà không thế kể đến đó là ngắm cảnh sắc Huế mộng mơ dọc theo bờ sông Hương trên chiếc thuyền rồng kiêu sa. Tại đây, vua chúa, hoàng thân và các quan lại có thể cùng nhau tâm sự, ngắm Huế ở một góc độ khác, một tâm tình khác.   

Đặc trưng của chiếc thuyền rồng 

Tại các nước phương Đông, từ xưa rồng là con vật linh thiêng vừa sống được dưới nước, vừa có thể tự do bay lượn trên bầu trời vì vậy mà rồng được xem là tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh và những điều tốt lành. Vì vậy, mọi người xem loài động vật linh thiêng này là biểu tượng của vua chúa. Đây là con vật có ý nghĩa đặc biệt trong tín ngưỡng cũng như văn hóa của dân tộc Việt. Chính vì vậy, thuyền được chạm khắc ra hình dáng những con rồng được gọi là thuyền rồng là phương tiện chỉ dành riêng cho vua chúa đi lại trên sông nước. 

Thuyền rồng Huế có nét đặc trưng ấn tượng như vậy bởi kết cấu hình dáng có từ xa xưa. Với đầu thuyền gắn các miếng gang tạo thành hình rồng với đầy đủ các chi tiết như mắt, mũi, miệng, sừng, bờm và phía cuối thuyền là đuôi. Thân thuyền được vẽ bằng chất liệu màu sơn tạo nên những chiếc vảy rồng trông như con rồng thật được nhắc trong những câu chuyện truyền thuyết. Hiện nay, với ngành du lịch phát triển, yêu cầu dạo trên sông Hương của du khách ngày một tăng khiến cho càng nhiều thuyền rồng ra đời. Dù những chiếc thuyền này được thiết kế có đôi chút khác biệt nhưng theo đánh giá hình dáng, mẫu mã đa dạng tạo nên sự phong phú cho thuyền rồng Huế đồng thời càng tôn thêm vẻ đẹp cho dòng sông. Phía trong con thuyền, thuyền được thiết kế chia làm hai phần: phần trong và phần ngoài. Phần trong, du khách sẽ ngắm cảnh qua các khung cửa sổ hay cửa kính dưới mái che. Với phần ngoài thì du khách có thể tùy ý thả mình theo làn gió, tận hưởng không khí mát lành giữa lòng sông. 

Thưởng ngoạn khung cảnh cổ kính xen lẫn nét hiện đại 

Nếu khi xưa, du thuyền rồng chỉ là thú vui dành riêng cho vua chúa. Thì nay, thú vui này lại phổ biến trở nên rất quen thuộc với người dân. Người dân chốn kinh thành này không chỉ lưu dữ và duy trì mà còn lưu truyền những phong cách sống và thú vui tao nhã này của vua chúa thời Nguyễn. Có thể nói thuyền rồng không chỉ là văn hóa mà còn là phương tiện độc đáo phục vụ du khách tham quan các cảnh đẹp nổi tiếng ở Huế, như chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, Lăng Khải Định, lăng Minh Mạng,… Đây chắc chắn là phương tiện tuyệt vời để ngắm cảnh dọc bờ sông Hương.  

Du thuyền trên sông Hương luôn mang đến cho du khách nhiều cung bậc cảm xúc đặc biệt khó quên. Điển hình là những hình ảnh đặc sắc như cô gái Huế thướt tha, e ấp với giọng hát sâu lắng, những bản ca Huế trầm lặng trong một khung cảnh thơ mông, yên bình trên sông Hương.   

Ngoài ra, du khách còn có cơ hội tận mắt ngắm nhìn những di tích, công trình lăng tẩm đồ sồ, uy nghi mà không kém phần cổ kính nhất hay những nơi gắn liền với rất nhiều câu chuyện, giai thoại kỳ bí của xứ Huế. Ngồi trên thuyền rồng chạy dọc theo bờ sông Hương cũng là một phương tiện rất độc đáo để du khách khám phá một khía cạnh khác của các di tích nổi tiếng xứ Huế. 

Chắc chắn sẽ khác hoàn toàn với cảm giác khi ngắm sông Hương bằng xe hay tản bộ, du thuyền ngắm cảnh trên sông Hương sẽ mang đến cho du khách sự yên bình và thư giãn hiếm thấy. Cảm giác tâm bình lặng sống chậm lại trong cuộc sống vội vã khi ngắm nhìn sóng nước dập dềnh để tìm đến những di tích lịch sử cực nổi tiếng nằm bên sông. 

Đặc biệt, du khách sẽ có thể ngắm một khung cảnh màu hồng lãng mạn, nên thơ. Đó là khi ánh hoàng hôn rực rỡ trải dài, du khách tham quan trên thuyền sẽ cảm nhận được sự kỳ diệu khi nhìn xuống dòng nước trôi êm ả. Bên cạnh đó, nếu du khách có cơ hội dạo du thuyền vào buổi tối, ngoài việc cảm nhận những làn gió lùa qua mái tóc thì hình ảnh thành phố về đêm dưới bầu trời sao lấp lánh cùng ánh sáng huyền ảo, lung linh cũng thừa sức làm say đắm lòng người.  Và một điểu đặc biệt chỉ khi du thuyền rồng vào ban đêm mới có. Đó là nếu du thuyền rồng trên sông Hương vào ban đêm, du khách có thể ngắm nhìn, các cây cầu nổi tiếng như cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân, cầu gỗ Lim –  những cây cầu sặc sỡ săc màu chỉ vào ban đêm mới có ở Huế. 

Ca Huế trên thuyền rồng

Ca Huế là một loại hình văn hoá nghệ thuật cổ truyền không thể lẫn vào đâu được của xứ kinh kỳ. Cũng như du thuyền rồng, trước đây, nghe ca Huế trên sông Hương là thú vui tao nhã của vua chúa hoàng tộc và quan chức cao trong cung đình Huế. Đến ngày nay, loại hình ca múa này đã được “bình dân hóa” để mọi du khách đến Huế đều được thưởng thức ca Huế trên sông Hương. 

Ca Huế là sự kết hợp từ hai dòng nhạc là ca nhạc dân gian và cung đình Huế. Hệ thống ca Huế bài bản khá phong phú, bao gồm khoảng 60 tác phẩm khí nhạc, thanh nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc, điệu Nam. Ca Huế là một  một hệ thống “hơi” diễn tả nhiều sắc thái tình cảm đặc trưng. Điệu Bắc gồm những bài ca mang âm điệu trang trọng, tươi tắn. Trái lại điệu Nam lại là những ca khúc âm điệu buồn, ai oán, nỉ non. Hệ thống Ca Huế do đã trải qua quá trình phát triển lâu dài nên có cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt và đã trở thành nhạc cổ điển truyền thống hoàn chỉnh, mang nhiều yếu tố học thuật về cấu trúc, ca từ lẫn phong cách biểu diễn. Đi liền với ca Huế là dàn nhạc Huế với đội ngũ tuyệt lần lượt là Tranh, Tỳ, Nhị, Nguyệt, Tam, xen với Sáo, Bầu và bộ gõ trống Huế. 

Chương trình ca Huế trên sông Hương sẽ gồm ca hò Huế đối đáp và tân nhạc Huế vô cùng đặc sắc. Và đây cũng chính là hoạt động được mong chờ nhất trong suốt hành trình du thuyền rồng trên sông Hương. Với mỗi đêm ca Huế trên sông Hương, du khách sẽ được sống lại trong không gian Huế của những năm xưa cũ – những năm tháng không thể nào quên. 

 

Thưởng thức ẩm thực Huế trên thuyền rồng 

Trong không gian thuyền rồng Huế đầy thơ mộng, du khách còn có thể được thưởng thức ẩm thực đặc sản, truyền thống của xứ Huế. Khác với những dịch vụ ăn uống ở các khách sạn hay nhà hàng, ẩm thực trên thuyền rồng luôn có nét khác biệt. Có nhiều hình thức dùng bữa cho du khách thoải mái lựa chọn như ăn cơm tối cơ bản, cơm tối cung đình hay yến tiệc cung đình.  


Bữa tối cơ bản sẽ bao gồm các món ăn đặc sản của vùng đất kinh thành như cá thu sốt, gỏi cuốn, mực hấp, cơm, thịt hầm, súp gà. Nếu bạn chọn cơm tối cung đình thì thực đơn chắc chắn có vẻ ‘sang chảnh’ hơn một chút với cơm gói lá sen, nem công chả phượng, súp hải sản, bánh nậm.  

Còn nếu bạn muốn tận hưởng trọn vẹn bữa tiệc mà vào ngày xưa chỉ có vua chúa mới có thể dùng thì có thể lựa chọn thưởng thức hình thức yến tiệc cung đình. Thực đơn yến tiệc cung đình bao gồm những món ăn mang đậm bản sắc ẩm thực cung đình Huế. Lúc này, du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức tôm ngự thuyền rồng, bát bửu khai vị, cơm Cung Đình,  gà nướng Cung Đình, chè Huế. Ngoài ra, bữa ăn tối cũng sẽ thú vị hơn khi được kết hợp với trải nghiệm nghe ca Huế trên sông Hương.   

Nên du thuyền rồng trên sông Hương thời điểm nào trong năm? 

Thời tiết Huế được chia làm 2 mùa rõ rệt trong năm, đó là mùa khô bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9, còn mùa mưa diễn ra từ tháng 10 – tháng 2 năm sau. Cũng vì thế mà hoạt động đặc thù đi thuyền rồng trên sông Hương là hoạt động ngoài trời, nên thời điểm phù hợp nhất để dịch vụ này phát triển là vào mùa khô. Cũng tức là du khách có thể đến trải nghiệm dịch vụ đặc trưng này cụ thể vào tháng 3 đến tháng 9. 

Bên cạnh đó, đi thuyền trên sông Hương Huế vào mùa khô, du khách còn có cơ hội tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác của cố đô như Đại Nội, Đồi Vọng Cảnh, các khu lăng tẩm, Đồi Thiên An, núi Bạch Mã hoặc và các bãi biển như biển Thuận An, biển Cảnh Dương. 

Ngược lại, bắt đầu từ tháng 10, thời tiết ở Huế bắt đầu chuyển sang mùa mưa lâm râm dài mà khó dứt. Do đó, hoạt đồng du thuyền sông Hương diễn ra rất hạn chế và cũng ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm dịch vụ. 

 

Cảm nhận của du khách sau khi đi thuyền rồng Huế 

Du lịch bằng thuyền rồng trên sông Hương được khách du lịch đánh giá là loại hình văn hoá nghệ thuật tao nhã chắc chắn phải trải nghiệm qua khi đến Huế. Tại đây,du khách có thể ngắm toàn cảnh dòng sông đậm chất trữ tình này khi xuôi theo dòng sông Hương đến viếng cảnh chùa Thiên Mụ hay đến thăm hệ thống các di tích lăng tẩm triều Nguyễn.  

Hệ thống du thuyền rồng trên sông Hương có nhiều gói dịch vụ cho du khách thoải mái lựa chọn. Tuỳ thuộc vào từng loại dịch vụ, loại tour mà du khách chọn, thuyền sẽ có một lịch trình khám phá trên sông Hương khác nhau. Hoặc du khách có thể lựa chọn tuyến một điểm đến hoặc là tuyến nhiều điểm đến cố định tuỳ thích. Sau khi thuyền cập bến, du khách sẽ có một khoản thời gian tự do để tham quan, du lịch theo sở thích của mình. 

 

Tâm Anh